Từ bao đời nay, cây dừa đã gắn bó thân thương với mảnh đất và con người Bến Tre. Dừa chẳng những cống hiến toàn bộ sản phẩm từ trái, đến thân, lá cho đời sống vật chất mà nó còn đóng góp không nhỏ trong đời sống tinh thần. Bóng dừa điểm tô cho quê hương ta thêm đẹp, tạo nên nét riêng cho phong cảnh Bến Tre. Chẳng những thế, dừa còn là nguồn cảm hứng vô tận, mạnh mẽ cho các sáng tác văn học nghệ thuật ở tỉnh nhà từ xưa đến nay và mai sau.
* Trong ca dao dân ca Bến Tre ông cha ta đã dùng cây dừa làm chất liệu khá phong phú:
- Thấy dừa thì nhớ Bến Tre.
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.
- Trả ơn ai có cây dừa
Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương.
- Mài dừa đạp bã cho nhanh
Nấu dầu mà chải tóc anh tóc nàng
Mài dừa dưới ánh trăng vàng
Ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh
- Trồng dừa ra đọt chặt tàu
Sợ em đổi dạ tham giàu bỏ anh
- Kìa vườn dừa cây cao cây thấp
Gió quặt quà cành lá xác xơ
Thương anh em vẫn đợi chờ
* Trong câu đố, cây dừa cũng là một đề tài hấp dẫn:
- Một mẹ nuôi chín mười con
Không ăn, không uống no tròn vo vo
(là cái gì?)
- Nước sông không đến
Nước bến không vào
Vậy mà có nước
(là trái gì?)
Trong những tác phẩm văn thơ cận đại và hiện đại cũng rợp mát bóng dừa. Không sao kể hết những truyện ngắn, ký, thơ mà qua đó vẻ đẹp cây dừa được khắc họa cũng như sự xác xơ, thương tích mà cây dừa phải chịu trong bom đạn, chất độc hóa học của chiến tranh. Đậm nét hơn cả là hình ảnh cây dừa qua đau thương vẫn vươn lên cùng người chiến đấu giải phóng quê hương và xây dựng cuộc sống mới. Tiêu biểu cho những áng văn thơ in đậm bóng dừa ấy, là bài thơ "Dừa ơi" của nhà thơ quá cố Lê Anh Xuân:
... "Nội nói: "Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân.
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm".
... "Tôi nghe gió ngàn đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.
... Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết bao đau thương biết mấy căm hờn.
Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng".
* Xào xạc lá dừa cũng là âm điệu của bao bài dân ca Bến Tre và bao bài hát về mảnh đất và con người quê hương Đồng Khởi. Nguyễn Văn Tý với bài "Dáng đứng Bến Tre" nổi tiếng cả nước và sống mãi cùng thời gian đã mở đầu "Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió", "Dừa ơi ta nhớ lắm nghe"...
Và dáng đứng cây dừa giương lược chải mây, màu xanh mượt mà trữ tình của những tàu lá cũng chính là hình mẫu cho những bức tranh, bức ảnh về quê hương ta.
Mong sao cho cây dừa bám rễ vững chắc trong nền kinh tế tỉnh nhà và mong sao cho hình ảnh cây dừa đi vào các loại hình văn học nghệ thuật sinh động, độc đáo, đậm nét hơn.
Hà Thanh Niên-duabentre.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét