Cuối tháng 12/2012 và đầu tháng 1/2013, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường (PC49), Công an TP Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp phát hiện nhiều cơ cở sản xuất ở ngoại thành Hà Nội, chế biến rượu Champagne, vang đào, nước ngọt có ga… từ cồn công nghiệp, đường hóa học cyclamate, gây tâm lý hoang mang, bức xúc cho người tiêu dùng..
Đẹp nhãn mác nhưng "ruột rỗng"
Vụ việc mới nhất vừa xảy ra vào ngày 4/1, Đội 2, PC49 phối hợp với Đội QLTT số 7, 24, Công an huyện Hoài Đức kiểm tra Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Mai (xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức) - chuyên chế biến, sản xuất nước ngọt, rượu các loại. Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Hữu Mạnh (34 tuổi) - Giám đốc công ty thừa nhận, doanh nghiệp hoạt động từ năm 2011, song không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP do cơ quan quản lý nhà nước cấp.
Theo đó, nước ngọt có ga được cơ sở này sản xuất từ nước giếng khoan, trộn với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola). Trung bình, với khoảng 200ml nước ngọt cốt, hòa đầy với nước giếng khoan, sục qua khí CO2 sẽ có một chai nước ngọt có ga thành phẩm loại 1,5 lít. Các chai nước này sau đó được dán tem nhãn, đóng gói đẹp mắt khá giống với kiểu dáng các sản phẩm thương hiệu.
Với "công nghệ" sản xuất thủ công, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này ra lò 150 lít nước ngọt, tương đương 100 chai loại 1,5 lít. Kiểm tra các nguyên liệu sản xuất nước ngọt, lực lượng chức năng xác định, tất cả đều mua trôi nổi ngoài thị trường (chất tạo màu, tạo ngọt, tạo mùi) với giá siêu rẻ, không qua kiểm định chất lượng. Đặc biệt, trinh sát Đội 2, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường còn phát hiện, thu giữ 1 túi đường cyclamate (loại đường không nằm trong danh mục các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm, gây hại đến sức khỏe người sử dụng) tại cơ sở này.
|
Lực lượng chức năng phát hiện đường cyclamate tại cơ sở sản xuất. |
Ngoài kinh doanh nước ngọt đóng chai có ga, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Mai còn sản xuất nhiều loại rượu như: Champagne, rượu vang nổ, rượu nho. Quá trình kiểm tra khu vực sản xuất rượu tại công ty này, lượng chức năng phát hiện trên 100 lít cồn công nghiệp. Qua làm việc, giám đốc công ty này thừa nhận, lượng cồn này đều mua trôi nổi ngoài thị trường và là nguyên liệu chính để pha chế rượu. Trung bình, ngỗi ngày cơ sở này cho ra lò được khoảng 100 lít rượu các loại. Một cán bộ Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho hay: cồn công nghiệp không nằm trong danh mục các phụ gia được sử dụng trong thực phẩm, sản xuất đồ uống vì có chứa methanol - chất có thể gây ngộ độc.
Trước đó, ngày 26/12, Đội 6 (PC49) phối hợp với Đội QLTT số 12 kiểm tra cơ sở sản xuất rượu, nước giải khát Thiên Long (ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do chị Nguyễn Thị Ngân làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang sản xuất, pha chế, đóng chai các loại nước giải khát có ga với nhãn mác, bao bì bắt mắt như: Hương vị cam, cola, chanh và rượu Champagne không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc. Nghiêm trọng hơn, qua xét hỏi, chủ cơ sở thừa nhận, dùng cồn công nghiệp cấm sử dụng trong thực phẩm (đựng trong 3 thùng phuy to), kết hợp phẩm màu, đường Trung Quốc để pha chế rượu các loại như: Champagne, rượu vang đào…, song trên nhãn mác bao bì đều ghi rượu được sản xuất từ cồn thực phẩm...
Tiếp cận thị trường bằng giá rẻ như bèo
|
Những thứ đồ uống này được chế từ nước lã và hóa chất. |
Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6: "Để tiêu thụ hàng nghìn chai nước ngọt, rượu làm từ đường cyclamate, cồn công nghiệp các chủ cơ sở sản xuất trên đã tìm đến thị trường "béo bở" ở nông thôn hoặc miền núi vùng sâu, vùng xa. Những nơi người dân ít tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ và giá thành thì phù hợp với túi tiền của họ". Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Mai, một chai nước ngọt có ga thành phẩm loại 1,5 lít bán ra thị trường chỉ với giá 5.000 đồng; rượu Champagne, rượu vang nổ, rượu nho bán ra thị trường với giá 14.000 đồng. Đối với cơ sở sản xuất rượu, nước giải khát Thiên Long bán buôn chỉ với giá 1.100 đồng; rượu Champagne, rượu vang đào giá từ 10.000 - 12.000 đồng.
Về đường hóa học cyclamate lực lượng chức năng thu giữ độc đến đâu? Nó là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước, có thể tạo vị ngọt gấp 30 lần đường sucrose (đường mía). Chất này đã bị cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấm sử dụng. Tại Việt Nam, đường cyclamate bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm và khuyến cáo cyclamate có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư và tiểu đường.
Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, có hai ngành sản xuất cồn là cồn công nghiệp và cồn thực phẩm. Cồn thực phẩm phải áp dụng phương pháp tinh chế cao, được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sạch như ngô, sắn, khoai có chất tinh bột cao. Khi tinh chế sẽ loại bỏ các chất độc hại ra ngoài, thu được cồn an toàn. Còn cồn công nghiệp làm được từ rất nhiều nguồn nguyên liệu nhưng không qua tinh chế, vì thế trong cồn chứa nhiều chất độc hại, trong đó có hàm lượng methanol, aldehyt… cao, giá thành rẻ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chỉ cần 20mg/l methanol trong máu là gây ngộ độc. Uống rượu giả sau vài giờ, nạn nhân có thể ngộ độc; triệu chứng xuất hiện khoảng 12 giờ sau khi uống và cấp tính sau 24 giờ. Nạn nhân cũng có thể tử vong ở thời điểm này.
Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng PC46 khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng những loại rượu có nhãn mác, thương hiệu được đăng kiểm trên thị trường. Phòng PC46 tiếp tục kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất khác, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng sẽ đình chỉ và xử phạt nặng theo quy định của pháp luật
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét